Hiệu ứng tiến hóa "lạ" khi ngày càng nhiều người chọn phương pháp sinh mổ

"Lạ" nhưng không có nghĩa là không tốt. Hơn nữa nhờ vậy, bộ gene của chúng ta cũng đa dạng hơn chăng?

Khi khoa học kỹ thuật phát triển hiện đại, ngày càng nhiều thai phụ lựa chọn giải pháp sinh mổ. Dĩ nhiên, sinh mổ đem lại rất nhiều lợi ích - như ít đau đớn và giảm tỷ lệ tử vong của mẹ và bé đều giảm xuống - nhưng cũng có nhiều nhược điểm về mặt y tế dành cho người mẹ.

Ở đây, chúng ta sẽ không bàn đến các điểm này. Vấn đề là theo một nghiên cứu gần nhất, thì dường như xu hướng lựa chọn sinh mổ tăng đã gây ảnh hưởng đến quá trình tiến hóa của con người. 


Ngày càng nhiều người chọn sinh mổ và điều này đang gây một hiệu ứng tiến hóa lạ (Ảnh minh họa)

Thực tế thì trước kia, phương pháp sinh mổ thường chỉ được áp dụng khi thai nhi gặp bất thường, không thể chào đời bằng phương pháp sinh tự nhiên. Tuy nhiên nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ những ca không thể sinh tự nhiên đang tăng lên, từ 30/1000 ca vào năm 1960 thành 36/1000 ca ở thời điểm hiện tại. Nhìn tưởng ít, nhưng đó là mức tăng đến 20%. 

Theo tiến sĩ Philipp Mitteroecker từ ĐH Vienna (Áo), quá trình tiến hóa đã cho một thế hệ trẻ sơ sinh ngày càng... bự hơn, vì điều đó chứng tỏ sức khỏe của bé rất tốt, và khả năng sống sót cao hơn. Tuy nhiên, cũng chính áp lực tiến hóa đã khiến số lượng các bà mẹ có khung xương chậu hẹp tăng cao.

Với khung xương chậu hẹp, phụ nữ có thể dễ dàng đứng thẳng, khả năng thăng bằng tốt hơn, nhờ vậy tỷ lệ sảy thai hoặc sinh non sẽ giảm xuống. Có điều khi kết hợp cả 2 yếu tố thì chuyện các em bé chào đời theo cách tự nhiên là điều không thể. 

Nếu đầu em bé quá to hoặc xương chậu người mẹ quá hẹp, bé có thể sẽ bị mắc kẹt vì bộ khung ấy. Trong quá khứ, đỡ đẻ cho những ca như vậy là rất khó, có thể giết chết cả mẹ lẫn con, và bộ gene "xương chậu hẹp" sẽ không thể tiếp tục lưu truyền. 


Trong quá khứ, các trường hợp sinh nở mà sản phụ có khung xương chậu hẹp rất khó để thực hiện

"100 năm trước, phụ nữ với khung xương chậu hẹp thường khó lòng sống sót khi sinh. Còn bây giờ, họ có thể chuyển bộ gene xương chậu hẹp ấy cho con mình." - bác sĩ Philipp Mitteroecker, đồng tác giả nghiên cứu cho biết. 

Về mặt lý thuyết, nó sẽ làm thay đổi quá trình tiến hóa của con người, vì những bộ gene "hơi bất lợi" sẽ ngày càng lan rộng hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chưa có kết luận chính thức, vì các bằng chứng vẫn còn khá mơ hồ, chỉ dựa trên số liệu do WHO cung cấp thôi. 

Có rất nhiều lý do để các bác sĩ chỉ định sinh mổ, nhưng hơi khó phân loại. Chẳng hạn, với các trường hợp sản phụ đã cao tuổi, họ buộc phải sinh mổ vì cơ quan sinh dục đã không còn linh hoạt như trước. Sản phụ bị béo phì và tiểu đường cũng sẽ được chỉ định sinh mổ. 

Tham khảo: IFL Science
 
Cẩm nang bà bầu
Hỗ trợ khách hàng
Hotline: 0977.641.386