Vô tình biến con thành một đứa trẻ hỗn láo từ cách hành xử của bố mẹ

Con bạn thường cư xử không ngoan, thậm chí có lúc hỗn láo. Rất có thể chính bạn lại là tác nhân gây ra những hành vi xấu đó, nếu bạn vẫn đang làm những điều sau.

Rèn kỷ luật cho con là một trong những vấn đề khiến nhiều ông bố bà mẹ đau đầu và lo lắng. Làm thế nào để bạn đảm bảo con lớn lên biết phân biệt phải trái đúng sai? Bạn nên nghiêm khắc ở mức độ nào? Bạn có nên dùng roi vọt không? Có bao nhiêu cơ hội hoặc sự lựa chọn mà bạn nên cho con?

Nuôi dạy một đứa trẻ trong cuộc sống hiện nay đang ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là khi bố mẹ luôn bị kiểm soát, dù ở nơi công cộng hay trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Bác sĩ Foo Koon Hean, nhà tâm lý trị liệu và tác giả của cuốn sách “Negotiation Parenting: Or how not to raise a brat in today’s complex world” (Tạm dịch Nuôi dạy con có thương lượng: Hoặc làm thế nào để không nuôi con trở nên hỗn láo trong thế giới phức tạp ngày nay), viết rằng ngày nay nhiều bậc cha mẹ hy sinh hết mình cho con cái và hy vọng rằng con cái họ sẽ báo đáp công ơn khi chúng trưởng thành. Ông nói thêm: "Nghiên cứu của tôi cho thấy có rất ít trẻ báo đáp lại công ơn của bố mẹ”. Ông cũng lưu ý rằng phương pháp nuôi dạy con "phải hiếu thảo" đang khiến trẻ em trở nên "thiếu tự tin, thiếu tôn trọng, thiếu kiên nhẫn, có những kỳ vọng không thực tế, cần sự thỏa mãn tức thì và luôn để ý đến quyền lợi - đây là những biểu hiện của một đứa trẻ hư và hỗn láo!".

Bác sĩ Foo khuyến cáo rằng cha mẹ là những người cần đưa ra những quyết định sáng suốt. Vì vậy, làm thế nào để bạn biết liệu con của bạn đang sắp trở thành một cơn ác mộng? Hãy bắt đầu bằng cách kiểm tra cách bạn dạy con. Dưới đây là 6 điều bạn sẽ cần phải dừng ngay nếu muốn ngăn con trở thành một đứa trẻ hỗn láo.

1. Ngó lơ cơn cáu giận hay mè nheo của con

Thật ra, nhiều bậc cha mẹ đã bỏ qua những cáu giận, mè nheo của con hoặc thậm chí bào chữa khi con họ cư xử không ngoan, nói rằng "con chỉ là đang mệt mỏi. Nhưng chỉ ra những vấn đề chưa được trong hành vi đó của trẻ cũng rất quan trọng. Bố mẹ không nên bỏ qua, mà cần giải thích và chỉ ra cho con rằng tại sao nổi giận hay mè nheo không phải là một cách giải quyết tốt cho một vấn đề nào đó.

"Thật hoàn toàn tự nhiên khi một đứa trẻ thử nghiệm những giới hạn, nhưng khi nó trở thành thói quen hay hành vi cố định, điều này sẽ vượt quá giới hạn và trẻ sẽ dần trở nên hư hỏng", Elaine Rose Glickman, tác giả của cuốn sách “Con bạn hỗn láo và đó là lỗi của bạn” nói.

2. Đầu hàng trước những lời năn nỉ của trẻ

Chắc hẳn đã có rất nhiều lần khi bạn đã từ chối yêu cầu của trẻ, nhưng con vẫn nhất quyết đi theo bạn khắp nơi và van nài, cho dù bạn đã nói không bao nhiêu lần đi chăng nữa. Và cuối cùng, người đầu hàng vẫn là bạn, bạn đành chiều theo ý con và thường vẫn kèm theo câu nói: “Chỉ lần này thôi nhé, lần sau sẽ không có chuyện này nữa”.

Elaine cho biết: "Có thể thấy rằng trẻ sẽ nhận ra năn nỉ là một biện pháp hiệu quả khi muốn một thứ gì đó. Và trẻ chắc chắn sẽ không thay đổi hành vi này dù nó là thô lỗ hoặc gây khó chịu hoặc hỗn láo”.

Bà nói thêm rằng khi bố mẹ chiều theo ý con, thưởng cho hành vi không ngoan và để con hiểu rằng chỉ cần ra sức nài nỉ là con sẽ đạt được điều mình muốn thực ra đồng nghĩa với việc bạn đang làm hại con mình.

3. Lúc nào cũng “đội” con lên đầu

Trẻ cần sự quan tâm - nhưng quá nhiều sự quan tâm có thể biến con thành một đứa trẻ hư. Khi bạn luôn cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu của con, cũng là khi bạn đang dạy con kỳ vọng vào điều đó. Theo đó, hậu quả sẽ là trẻ kỳ vọng mình lúc nào cũng sẽ là ưu tiên, là trung tâm của sự chú ý và vì thế, trẻ sẽ có xu hướng cư xử hỗn láo khi không nhận được phản ứng hay thứ mà chúng mong đợi. Betsy Brown Braun, tác giả cuốn sách “You’re not the Boss of Me” (Con không phải ông/bà chủ của bố mẹ) đưa ra lời khuyên: “Hãy dạy cho con biết kiểm soát và trì hoãn ham muốn. Mong muốn mà không được đáp ứng cũng là một điều tốt cho trẻ”.

4. Không bao giờ để con buồn hay thất vọng

Là người lớn, chúng ta tự biết được rằng trong cuộc sống sẽ có những điều không theo ý mình muốn, và sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy buồn và thất vọng. Nhưng trẻ thì chưa nhận thức được như vậy. Vì thế, chúng có thể không kiểm soát được những cảm xúc của bản thân. Tất nhiên là thật tốt khi con có thể cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ mọi lúc, nhưng nếu bố mẹ luôn cố gắng làm mọi cách để con không bị buồn, thì cũng có nghĩa là bố mẹ đang ngăn con học cách tự kiểm soát cảm xúc và đối mặt với thất vọng.

5. Tha thứ cho những hành vi thô lỗ

Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận ra một đứa trẻ hỗn láo đó là cách trẻ nói chuyện với người khác. Trẻ nên phải luôn luôn lễ phép khi nói chuyện với người khác, dù người đó là bố mẹ, ông bà, thầy cô hay bạn bè, thậm chí là người lạ. Nếu bạn bắt gặp con nói chuyện không lễ phép với bất kì ai, bạn phải sửa ngay thái độ thô lỗ và hỗn láo đó ngay lập tức – đừng chỉ bao biện hay cho qua. Hãy đảm bảo rằng bạn cho con hiểu một cách rõ ràng từ khi còn nhỏ rằng sự thô lỗ và hỗn láo không bao giờ được tha thứ trong gia đình.

6. Chính bạn cũng cư xử chưa đúng mực

Robert Fulgham, tác giả của cuốn sách “Everything I need to know I learnt in Kindergarten” (Mọi thứ tôi cần biết đều được học ở mẫu giáo) đã từng nói rằng: “Đừng lo lắng rằng con sẽ không nghe lời bạn, hãy lo lắng rằng chúng luôn quan sát bạn”. Nếu bạn đối xử tốt với mọi người xung quanh, con bạn cũng sẽ làm theo như vậy. Ngược lại, nếu bạn nói xấu người khác, hay dùng những lời lẽ thô lỗ để nói về ai đó, thì khả năng cao là con bạn cũng sẽ không ngại làm thế với người khác.

Hãy luôn ghi nhớ rằng bạn chính là hình mẫu đầu tiên và tuyệt vời nhất để con noi theo. Mọi thứ bạn nói và làm đều có thể được phản chiếu trong cách cư xử của con.

Nguồn: parents
 
Sản phẩm
Hỗ trợ khách hàng
Hotline: 0977.641.386